Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Ba bài học từ ông Nguyễn Bá Thanh

Nhiều năm qua trên báo chí, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư của Đà Nẵng - là nhân vật có sức thu hút người đọc cả nước. Nhiều người gọi là “Hiện tượng Nguyễn Bá Thanh”.

Mấy ngày qua, nhiều thành phố và các tỉnh họp HĐND, nhưng cuộc họp của Đà Nẵng có nhiều tin tức  nổi bật nhất. Các đại biểu của TP.Đà Nẵng đi họp đầy đủ, nghiêm túc, chất vấn và trả lời chất vấn cặn kẽ. Đặc biệt là vai trò điều hành của vị Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh quá xuất sắc.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Internet
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Internet
Hiện tượng Nguyễn Bá Thanh nói lên điều gì? Vì sao ông được dư luận cả nước đặc biệt hoan nghênh?
Một là ông thể hiện rõ  một cán bộ chống quan liêu, luôn luôn đi sát cuộc sống, nhận rõ sự thật, nói đúng sự thật. Ông chưa bao giờ tỏ ra là người giỏi lý luận. Sức thuyết phục lớn nhất của ông không phải là lý luận mà là sự thật. Ông hỏi ông giám đốc Sở TNMT: “Anh có biết trong nội thành còn có khu dân cư nào không có thùng đựng rác và họ đã xử lý rác như thế nào?”.
Ông giám đốc lúng túng mãi không đáp được. Ông Thanh nói: “Sau cuộc họp này  anh nên chịu khó đến khu dân cư Mân Thái (huyện Sơn Trà) để biết về tình trạng này và mau chóng giải quyết cho bà con”.
Khi ông giám đốc Sở GDĐT viện dẫn Thông tư 17 của Bộ GDĐT  để trả lời khó khăn trong việc xử lý dạy thêm, ông Thanh nói “Anh không phải bộ trưởng. Vấn đề của anh là trả lời câu hỏi của Đà Nẵng. Thành phố có hay không có chuyện các giáo viên tiểu học lên lớp dạy chính khóa, nhưng không chịu truyền đạt hết kiến thức cho các cháu mà để dành cho dạy thêm”.
Hai là ông khuyến khích sự công khai minh bạch trong  mọi việc không sợ vì thế mà mất uy tín của mình cũng như của cấp ủy, ủy ban. Qua chất vấn về tình trạng mãi lộ của CSGT chưa ngăn chặn được, ông đề nghị lắp đặt camera giám sát các mối đường để loại bỏ ngay CSGT nào chặn xe giữa đường.
Về tình trạng các ngân hàng làm khó DN đòi lãi suất trên 15%, ông yêu cầu ông GĐ ngân hàng TP.Đà Nẵng ngay buổi chiều phiên họp công bố 10 ngân hàng còn thu lãi suất trên 15%.
Về tình trạng không ngăn chặn nổi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, ông kết luận: “Công khai tên các chủ tịch phường còn để lấn chiếm lòng lề đường, lần đầu kỷ luật cảnh cáo, nếu để tái phạm sẽ bị cách chức ngay”.
Ba là tôn trọng luật pháp, đồng thời đòi hỏi luật pháp phải đi sát cuộc sống đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc sống, phục vụ lợi ích lâu dài của số đông người dân. Lâu nay Đà Nẵng có ý kiến khác về quy định nhập cư, theo quan điểm của ông Thanh và được HĐND TP.Đà Nẵng đồng tình thì phải giải quyết việc nhập cư sát thực tế. Chính sách đặt ra không phải để nói cho êm tai mà phải  thực hiện được, đi dần từ thấp lên cao không vấp váp.

Trong việc ngăn chặn tình trạng dạy thêm ở cấp tiểu học, ông Thanh đề nghị nếu thông tư của Bộ GDĐT  không đủ  thì HĐND TP.Đà Nẵng nên có quyết định của mình bổ sung những chỗ còn kẽ hở.
Ông còn đòi hỏi chính quyền phải bình đẳng với DN và người dân, khi kết luận vụ thành phố không giao đất cho Công ty Khải Hoàn Nguyên, ông nói: “Nếu tháng 12 mà chính quyền Đà Nẵng không giao đất thì CT Khải Hoàn Nguyên nên kiện ra tòa”. Làm sao để những bài học từ ông Nguyễn Bá Thanh có thể nhân ra cả nước? Đó là mong mỏi của nhân dân đối với những người lãnh đạo.
Theo Tống Văn Công

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Lắm đầy tớ chỉ khổ ông chủ

Xã có việc của xã, huyện có việc của huyện. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước, chính quyền xã làm ít việc thôi, còn lại xã hội tự làm. Khi ấy, đương nhiên số lượng cán bộ xã mà dân phải nuôi sẽ giảm.

'Nhiều như châu chấu'

Nếu cách đây 30 năm, ai đó nói rằng đến 2012, một xã ở Thanh Hóa có 500 cán bộ thì chắc không mấy ai tin. Nhưng nếu giờ đây ai đó lại bảo đến năm 2030, số cán bộ xã đó tiếp tục gia tăng thì sẽ có nhiều người tin. Niềm tin dựa trên một thực tế là cả hệ thống hành chính Việt Nam người ngày càng nhiều hơn, năm sau nhiều hơn năm trước. Người nhà nước ngồi ở bộ máy trung ương, bộ máy địa phương nhiều nhưng vẫn thiếu, thiếu mà lại vẫn thừa, đơn giản vì thiếu người giỏi, thừa người kém. Hiện tượng 500 cán bộ xã của Thanh Hóa không phải là cá biệt, mà là điều phổ biến trong chính quyền cấp xã cả nước ta.
Lại nhớ hiện tượng Lý Xương Bình của Trung Quốc. Từ 1983 đến 2000, Lý Xương Bình bốn lần giữ chức vụ bí thư đảng ủy ở 4 xã khác nhau. Là người am hiểu nông thôn, sát thực tế, thông cảm nỗi thống khổ của người nông dân, ông đã viết thư trực tiếp cho Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Dung Cơ để báo cáo những nhận định chủ yếu của ông:
- Nông thôn thật nghèo,
- Nông dân thật khổ,
- Nông nghiệp thật nguy hiểm,
- Cán bộ xã nhiều như châu chấu,
- Nông dân phải đóng rất nhiều loại phí để nuôi “châu chấu”,
- Nông dân bỏ ruộng, bỏ làng quê ra thành thị, bởi càng nhận nhiều ruộng khoán, càng lỗ vì phí phải nộp cho xã/ sào canh tác vượt quá số thu được v.v...


Người dân xã nghèo Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa phải góp thóc để nuôi 500 cán bộ xã. Ảnh: NNVN

Những phát hiện của Lý Xương Bình còn rất nhiều, nhưng cái giống Việt Nam nhất chính là số lượng cán bộ xã ngày càng gia tăng, phí ngày càng nhiều và càng nhiều đầy tớ thì ông chủ càng khổ hơn, càng khó khăn hơn.
Vậy đâu là cái gốc của vấn đề?
Trong hệ thống chính trị - hành chính Việt Nam, không xã nào, huyện nào, thậm chí không một tỉnh nào dám tự quyết một xã có lắm cán bộ như vậy. Về cơ bản là do Trung ương quy định.
Trung ương quy định địa phương có 3 cấp chính quyền là tỉnh, huyện, xã. Nhưng thực chất hiện nay phải là 3, 5 hoặc 4 cấp. Dưới xã ở nông thôn có thôn. Thôn có trưởng thôn, phó trưởng thôn, thôn có chi bộ, chi bộ có bí thư, phó bí thư. Dưới phường ở đô thị có tổ dân phố, trong đó có tổ trưởng, tổ phó. Dưới tổ dân phố có cụm dân cư. Cụm dân cư có cụm trưởng, cụm phó. Tương ứng là chi bộ tổ dân phố... Tất cả các chức danh này ít nhiều phải có phụ cấp hàng tháng để hoạt động.
Kèm theo là cơ cấu tổ chức và cán bộ của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội nhu Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... Đã là quy định của Trung ương thì phải nghiêm chỉnh chấp hành, sau đó mới là sáng tạo thêm ít nhiều căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương. Điều này cũng giống như Trung Quốc. Những năm 80 của thế kỷ 20, các xã ở Trung Quốc thành lập thêm cấp khu quản lý là cấp trung gian giữa thôn và xã. Thêm cấp khu là thêm cán bộ. Việt Nam ta thêm tổ dân phố, thôn là thêm cán bộ.
Vậy đâu là nguyên nhân của “cái gốc” này? Sơ bộ có thể thấy:
1. Nhận thức về vai trò của nhà nước nói chung, về vai trò của xã nói riêng về cơ bản không có gì thay đổi lớn. Nhà nước vẫn ôm đồm, làm quá nhiều việc không phải đích thực là việc của mình cần làm trong giai đoạn hiện nay. Tại nhiều diễn đàn, hội nghị vẫn thấy nói hoài nhận định không còn phù hợp nữa, đó là: xã là nơi thực hiện mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của cấp trên, của nhà nước. Mới nghe tưởng đúng, nghĩ kỹ hóa không phải. Nếu đúng thì 500 cán bộ xã vẫn là quá ít cho việc xã phải thực hiện tất cả mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, mà nói vậy thì bộ máy huyện, bộ máy tỉnh phải giảm đến 3/5 con người để tăng cường cho xã.
Chính vì nhận thức như vậy mà nhiều bộ, ngành trung ương vẫn mong muốn và đề xuất xã phải có 1 công chức đảm nhiệm mảng lĩnh vực mà bộ, ngành đó phụ trách ở Trung ương. Theo quan niệm này phải có công chức (nếu không được thì ½ công chức) về văn hóa, thể dục thể thao, về nông nghiệp, nông thôn, về giáo dục, dân số kế hoạch hóa gia đình v.v...
Quan niệm đúng nghĩa là xã có việc của xã, huyện có việc của huyện và tỉnh có việc của tỉnh. Đúng hơn nữa là trong điều kiện của kinh tế thị trường định hướng XHCN thì nhà nước, chính quyền xã làm ít việc thôi, còn lại để xã hội, người dân tự làm.
Xa dân

2. Quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô và vi mô hiệu quả thấp. Bù lại cái hiệu quả còn thấp này là sự gia tăng biên chế, gia tăng con người trong bộ máy. Càng tắc đường ở các đô thị lớn thì càng thấy nhiều công an giao thông hơn. Trật tự, trị an, đời sống dân cư ở xã, phường, nhiều tiêu cực, hỗn loạn thì càng cần phải có thêm người nhà nước làm nhiệm vụ tuần tra, canh giữ, phòng chống tội phạm...
3. Tính quan liêu, xa dân của chính quyền xã không giảm mà ngày càng gia tăng. Phường dựa vào tổ dân phố, tổ dân phố dựa vào cụm dân cư, xã dựa vào thôn... Có gì đã có cấp dưới lo, cấp dưới phải báo cáo lên. Theo cung cách này chắc còn phải cứ 10 hộ gia đình là 1 liên gia, có trưởng và phó liên gia để quản lý cho dễ, cho chặt.
4. Các tổ chức chính trị - xã hội có xu hướng hành chính hóa mạnh giống như bộ máy hành chính và do đó cán bộ ở các tổ chức này cũng gia tăng, làm cho số lượng cán bộ, công chức xã tăng theo.
Từ 4 nguyên nhân vừa nêu đã có thể hình dung phải làm gì để giảm bớt số cán bộ xã hiện nay.
- Một là, định lại cho đúng, cho phù hợp chính quyền xã phải làm những việc gì, từ rõ việc định ra con người. Đã có một cuộc điều tra xã hội học nào về ý kiến của người dân về vai trò, trách nhiệm, về sự cần thiết của tổ dân phố, thôn ở phường, xã hay chưa? Không hỏi thì từng người chúng ta vốn đang là cư dân ở thôn, ở tổ dân phố đều thấy các tổ chức này đã và đang làm gì theo đúng nghĩa là việc công? Đã có việc, việc đích đáng phải làm thì phải có cán bộ, phải có công chức để lo, hết sức tránh theo kiểu chính quyền xã có trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nên phải có công chức về giáo dục. Trường mầm non công lập, trường phổ thông cơ sở xã có chịu trách nhiệm xây dựng, xã có trả lương cho đội ngũ giáo viên hay không? Hay đây là việc của huyện? Tương tự như vậy ở các lĩnh vực khác.
- Hai là, đã xác định đúng việc, đúng người trong bộ máy thì phải trả lương tương xứng để cán bộ, công chức xã làm việc. Quên yếu tố này thì quản lý nhà nước ở xã sẽ lại thấp và bù lại phải tăng thêm người.
- Ba là, phát huy tính sáng tạo của dân, của xã hội theo phương châm nhà nước làm ít việc thôi, còn lại để xã hội, người dân tự lo. Khi đó, đương nhiên số lượng "châu chấu" sẽ giảm.

Đinh Duy Hòa (Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ)


Theo Vietnamnet

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Phí lưu hành xe - 'râu ông giàu cắm cằm bà nghèo?'

Đem chính sách của quốc gia đã phát triển vào một đất nước mà đường sá chật hẹp, nay đào mai bới, xe buýt ví như hung thần thì liệu có thể thành công.

Đọc sách ghét đám cường hào ác bá, chèn ép và bóc lột dân đen với đủ các loại thuế nhằm vơ vét của cải trong dân chúng với mục đích thu lợi riêng. Hay như một số vị vua ăn chơi sa đọa nào đấy vì quốc khố bị thâm hụt nên ra nhiều sắc lệnh để thu thuế của dân chúng dù dân đã khổ đủ đường. Những khoản thuế đó đã lưu truyền thành ca dao tục ngữ. Đó là chuyện cả trăm năm trước, chuyện ngày xa xưa, ngày của phong kiến, thời kỳ tăm tối.
Mấy ngày đầu 2012, đọc báo thấy Bộ trưởng giao thông đề xuất thu phí lưu hành xe cá nhân (bao gồm ôtô và xe máy với số tiền thu được trong năm thuộc loại khủng nhất từ trước đến giờ với mục đích chống kẹt xe và hạn chế xe cá nhân) mà cảm thấy thật buồn. Giải pháp "đánh vào ví tiền" không mới, mà cũng chẳng hay. Ở tầm vĩ mô, cần nghĩ rộng, cân nhắc tất cả những yếu tố ảnh hưởng, và tác động về mặt xã hội, kinh tế- chính trị nữa.

Bất cập trong giao thông Việt Nam

Diện tích dành cho đường sá quá ít so với số lượng phương tiện đã, đang và sẽ được đăng ký. Chất lượng công trình xuống cấp khỏi phải nói, nay đào mai bới, ít cầu vượt, vô số kẻ cắt nát luồng giao thông đang di chuyển ở ngã ba, ngã tư thì làm gì không tắc, không kẹt.
Người dân chen lấn, xô đẩy để được lên xe buýt.
Người dân chen lấn, xô đẩy để được lên xe buýt.
Xe buýt nhà mình thì được dân “ưu ái” gọi là hung thần của đường phố, cực chẳng đã dân mới leo lên loại xe này. Khi phương tiện công cộng không thể đáp ứng được về số lượng lẫn chất lượng thì người dân phải tự trang bị phương tiện cá nhân để đi làm.
Vì thế hợp thức hóa việc thu phí lưu hành bằng cách lấy các nước phát triển như Anh, Mỹ, Thụy Điển và Singapore ra để so sánh và kết luận “họ làm được thì ta cũng làm được vì hồi xưa cha ông ta có gì đâu vẫn đánh Pháp, Nhật, Mỹ tơi bời mà”. Khi đặt lên bàn cân rõ ràng thấy ngay sự khập khiễng, đem “Tây” ra so sánh với “Ta” chẳng khác nào mang khu nhà nhà ổ chuột so với Phú Mỹ Hưng.

Trong quan hệ giữa nhà nước và công dân thì nhà nước có quyền thu các khoảng đóng góp như phí, thuế từ nhân dân, nhưng cũng phải tạo ra cơ sở hạ tầng (trong đó có đường giao thông, phương tiện giao thông công cộng) tương đương với các khoảng mà người dân đóng góp.
Chúng ta không thể máy móc "chép bài" để có "điểm cao" giống bạn. Trước hết cần hiểu bài, biết vì sao bạn giải bài theo cách đó. Ở Việt Nam, việc áp dụng biện pháp "đánh vào ví tiền" chỉ khả thi nếu người dân có đủ điều kiện, và dễ dàng nhận thấy việc sử dụng phương tiện cá nhân sẽ tốn kém hơn nhiều so với những ưu việt mà phương tiện công cộng mang lại.

Muốn hạn chế xe cá nhân dễ hay khó?

Chỉ đơn thuần áp dụng thu phí, đánh vào chủ phương tiện, mà không có giải pháp đi lại cho người dân thì kết quả có thể làm tăng thu ngân sách nhưng mục đích chính là điều tiết lưu thông trên đường lại không thực hiện được. Thực tế, trong buổi chất vấn trước quốc hội, chính ông Bộ trưởng cũng không dám hứa sẽ làm được.
“Cấm” thẳng băng như thế này thì lợi ích của một số nhóm người sẽ bị ảnh hưởng? Mà cho tiếp tục đăng ký mới với cách quản lý và quy hoạch “hồn nhiên” như hiện nay thì kẹt xe là điều hiển nhiên! Chẳng cần học đâu xa, cứ học người Thái Lan hay Malaysia, những quốc gia tương đồng với chúng ta, xem họ đã làm như thế nào, rồi từ đó chọn giải pháp phù hợp.
Trước tiên nhà quản lý cần bổ sung, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng để chúng thực sự thuận tiện cho người dân thì họ sẵn sàng sử dụng mà chẳng cần đóng thêm bất cứ loại phí nào.
Xin đừng để người dân phải gánh cái sai thêm cái sai vì quy hoạch, quản lý yếu kém. Mong muốn của Bác về đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh” tuy dễ mà khó với cách làm như hiện nay của các “quan” nhà ta.
Ngô Vĩnh Yên - Nguyễn Thanh Tuân