Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Hai chữ Thịnh - Suy

(Dân trí) - Thịnh và Suy đó là hai điều mà bất cứ các nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng phải luôn nghĩ đến. Nhật Bản cũng là một quốc gia luôn quan tâm đến hai chữ Thịnh và Suy. Còn ở Việt Nam, đổi mới đang đưa đất nước đến với sự cường thịnh, nhưng không phải là không có những tiềm ẩn của sự suy.
Từ nước Nhật...
Nước Nhật trước thời kỳ Minh Trị (Meiji) 1868, là thời kỳ suy. Khi đó, nước Nhật cũng giống như thời kỳ vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam, vua Lê không có thực quyền, chúa Trịnh tuy không phải là vua, nhưng có thực quyền cai trị đất nước. Ở Nhật trước Minh Trị cũng thế, dòng họ lãnh chúa (shogun) Tokugawa đã cai trị nước Nhật hơn 200 năm, vua Nhật chỉ ngồi làm vì. Đến giai đoạn cuối của thời kỳ Tokugawa, nước Nhật hỗn loạn, kinh tế suy yếu, cả nước đói, nội chiến xảy ra. 
Năm 1854, đô đốc hải quân Mỹ Perry đưa hạm đội Mỹ gồm các con tàu đen vào cảng Yokohama, yêu cầu nước Nhật mở cửa ra thế giới, khai thông thị trường trong nước và thế giới. Nhờ áp lực đó của quân đội Mỹ, mà hoàng đế Nhật đã lấy lại được quyền cai trị đất nước từ dòng họ lãnh chúa Shogun Tokugawa.

Năm 1868, hoàng đế Meiji trẻ tuổi lên ngôi vua Nhật, bắt đầu thời kỳ Minh Trị cực thịnh của nước Nhật, chấm dứt thời kỳ suy yếu, loạn lạc dưới thời Tokugawa. Năm 1889, nước Nhật cho ra đời bản Hiến pháp đầu tiên ở châu Á, thiết lập quốc hội gồm 2 viện là thượng viện và hạ viện, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện, cực thịnh của nước Nhật.

Trong 44 năm cầm quyền của hoàng đế Minh Trị (1868-1912), nước Nhật  đã phát triển vượt bậc về kinh tế, và về quân sự đã chiến thắng hai cuộc chiến tranh : với Trung Quốc năm 1894-1895, và với Nga năm 1905.

Sau khi hoàng đế Minh Trị qua đời, nước Nhật quá hoan hỉ với thành tựu kinh tế và với 2 cuộc chiến thắng đó, họ tự vỗ ngực mình là nhất châu Á, nhất thế giới. Chiến thắng trong 2 cuộc chiến tranh đã làm cho phe quân sự và tính chất độc tài, chuyên chế dần thắng thế trong chính quyền. Nhân dân Nhật ngày càng bị mất quyền tự do dân chủ mà Hiến pháp 1889 đem lại. Chính quyền quân sự đưa nước Nhật tham gia phe Đức-Ý trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Kết quả là nước Nhật bị thảm bại, đất nước lại bước vào giai đoạn suy.

Tinh thần tự hào, tự mãn về 2 cuộc chiến thắng xưa thì nay không còn gì cả, chỉ còn lại nỗi nhục nhã thua trận. Nhưng thật may mắn, nước Mỹ thắng trận không đô hộ nước Nhật, không chiếm nước Nhật như trong các cuộc chiến tranh trước vẫn xảy ra, mà nước Mỹ chỉ buộc nước Nhật phải làm một bản hiến pháp thật dân chủ. Hiến pháp đó vừa bảo đảm không cho phe quân sự và nhà nước độc tài tái diễn, vừa bảo đảm sự tự do và dân chủ cho nhân dân Nhật, để nước Nhật có thể phát triển vững chắc, để chứng minh cho châu Á và thế giới chưa văn minh thấy tính chất tiến bộ của một nhà nước tự do và dân chủ là như thế nào.

Nhờ bản hiến pháp 1946 tiến bộ hơn bản hiến pháp 1889, mà nước Nhật lại bước vào giai đoạn cực thịnh sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đến nay, nước Nhật đã trở thành cường quốc thứ 2 thế giới về kinh tế, sau Mỹ, thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 đôla/năm, đứng trên Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch... chỉ sau Mỹ và vài nước khác như Thụy Sĩ, Na Uy, Lucxambua...

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của ông thủ tướng Koizumi, nước Nhật đã vượt qua suy thoái, tốc độ tăng trưởng luôn đạt từ 2 đến 3%/năm. Vị trí thứ hai đó của nước Nhật, trong tương lai gần chưa thấy nước nào có thể vượt qua được. Nhiều người Nhật nói một cách rất thật thà rằng: “Chúng tôi phát triển kinh tế nhanh là nhờ chúng tôi thua trận. Chúng tôi bị nỗi nhục thua trận, nên chỉ biết cắm cổ vào phát triển kinh tế, khiêm tốn học hỏi, không bị bệnh kiêu ngạo của kẻ chiến thắng. Bản hiến pháp dân chủ 1946 cũng bảo đảm cho chúng tôi không bị tình trạng “tự gây ra các khó khăn để khắc phục”.

...Nhìn về Việt Nam

Nhìn lại Việt Nam, ta cũng thấy nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thịnh suy. Triều nhà Trần, 3 lần chiến thắng quân Nguyên thật lừng lẫy (vào các năm 1227, 1284, 1287). Đến đời nhà Lê, chiến thắng quân Minh lừng lẫy như thế, thời Lê Thánh Tông với bộ luật Hồng Đức tiến bộ như thế, đất nước phát triển cực thịnh như thế.

Nhưng chỉ sau khi Lê Thánh Tông mất 8 năm, đến đời vua Lê Uy Mục (1505-1509), thì nhà Lê bắt đầu suy, để đến năm 1528, đất nước bị nhà Mạc cướp ngôi, rồi nạn Trịnh-Nguyễn phân tranh, vua Lê chỉ làm vì.

Vua Quang Trung đã khôi phục được sức mạnh của dân tộc, thống nhất đất nước, không còn cảnh Đàng Trong-Đàng ngoài, chiến thắng quân Thanh. Nhưng vua Quang Trung chết sớm đã làm đất nước lại suy vi. Nhà Nguyễn thay nhà Tây Sơn, phát triển rực rỡ được thời gian đầu, nhưng sau đó bị người Pháp đô hộ, chỉ vì đất nước quá lạc hậu, không chịu mở cửa, không nghe theo các cải cách của Nguyễn Trường Tộ đề xướng.

Các bước thăng trầm của đất nước ta cho thấy khi các vị vua bắt đầu ham chơi, không chăm lo đến dân, không trọng dụng người tài, chỉ dùng bọn xu nịnh, tham quan, thì đất nước sẽ bước vào giai đoạn suy.

Nước ta hiện nay đang ở trong giai đoạn thịnh, sau khi chiến thắng trong 2 cuộc chiến tranh vĩ đại. Nhưng không phải không tiềm ẩn các mầm mống của sự suy. Lịch sử đã chứng minh thịnh-suy chỉ là tương đối, nếu nhà nước không biết dùng người hiền tài để chăm lo cho dân.

GDP của ta năm 2004 là 40 tỷ đôla, tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn trên 7%. Đó là thành tựu vĩ đại của đổi mới. Nhưng hãy thử nhìn sâu thêm một chút. Năm 2004, Việt kiều gửi về nước xấp xỉ 3 tỷ đôla, chiếm trên 7% GDP. Lao động xuất khẩu của ta gửi về nước cũng xấp xỉ 2 tỷ đô la. Đầu tư nước ngoài rót vào ta trên 2 tỷ nữa. Rồi vốn trợ giúp phát triển ODA của các nước rót vào thêm 2 tỷ nữa. Như vậy tiền từ nước ngoài đưa vào Việt Nam chiếm trên 1/4 tỷ trọng của GDP rồi. Nếu không có các nguồn tiền đó, thử hỏi GDP của ta còn lại bao nhiêu?

Tốc độ tăng trưởng của ta luôn cao trên 7%/năm là do GDP của ta quá thấp, chỉ một chút tiền từ nước ngoài rót vào, hoặc một chút dầu thô khai thác thô xuất khẩu, cũng góp phần đưa tăng trưởng của ta tăng vọt. Nếu GDP của ta sau này đạt mức trên 100 tỷ đôla, thì sẽ thấy rõ hơn tiềm lực thực chất của nền kinh tế nước ta. Không thẳng thắn nhìn vào đó, sẽ không thấy được nguy cơ làm ta suy đang tiềm ẩn. Đó là chưa kể tình trạng tham nhũng và khiếu kiện của nhân dân ngày càng phức tạp và trầm trọng càng cho thấy cái suy tiềm ẩn đó.

Thử nhìn vào Singapore, chỉ có trên 5 triệu dân, diện tích chỉ nhỉnh hơn thành phố Hà Nội một chút, mà GDP năm 2004 là 96 tỷ, gấp hơn hai lần nước ta. Nước Nhật Bản, dân số 123 triệu, gấp rưỡi nước ta, diện tích thì chỉ xấp xỉ nước ta, nhưng GDP của Nhật năm 2004 là trên 5.000 tỷ, gấp trên 120 lần nước ta.  

Lịch sử đã cho thấy một bản hiến pháp tốt, dân chủ, bảo đảm sự thống nhất của quốc gia, không có sự chia rẽ sắc tộc hay tôn giáo, sẽ bảo đảm cho đất nước thịnh, phát triển lành mạnh. Bản hiến pháp năm 1946 của Nhật là một ví dụ. Nước ta cũng đã từng có một bản hiến pháp có chi tiết gần giống hiến pháp Nhật, đó là hiến pháp 1946 do Bác Hồ chỉ đạo soạn thảo, được quốc hội khóa 1 thông qua. Nhưng vì điều kiện chiến tranh, bản hiến pháp đó chưa được công bố để thi hành triệt để, chỉ được thi hành từng phần trong một số điều kiện. 

Minh Tuấn từ Tokyo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét